Giáo xứ Tân Hiệp: Thánh lễ Công nhận và Ra mắt Xứ đoàn Piô X, ngày 30-10-2022

Giáo xứ Tân Hiệp: Thánh lễ Công nhận và Ra mắt Xứ đoàn Piô X, ngày 30-10-2022

TGPSG – Thánh lễ ra mắt Xứ Đoàn Piô X – Thiếu nhi Thánh Thể (TNTT) giáo xứ Tân Hiệp- do linh mục (Lm) Giuse Phạm Đức Tuấn, Tổng Tuyên Úy TNTT Việt Nam, cũng là Tuyên úy Liên Đoàn Anrê Phú Yên – TGPSG, Chánh xứ Hạnh Thông Tây kiêm Hạt Trưởng Gò Vấp chủ tế. Đồng tế có Lm Luca Trần Quang Tung, Chánh xứ Tân Hiệp.

Tham dự Thánh lễ có sự hiện diện của đại diện Huấn Luyện Viên Liên đoàn Anrê Phú Yên, quý Soeurs Mến Thánh Giá, các Huynh trưởng giáo xứ bạn, các cô chú ban Trợ Tá, đại diện các hội đoàn, ca đoàn Têrêsa, quý phụ huynh và 282 em TNTT giáo xứ Tân Hiệp.

Trước khi buổi lễ được cử hành, Đoàn TNTT giáo xứ Tân Hiệp đã trình diện trước Lm Chánh xứ, Lm Tổng Tuyên úy Giuse và cộng đoàn. Đoàn TNTT giáo xứ Tân Hiệp được chia làm 5 Ngành:

  • Chiên Con: có 72 em đeo khăn màu hồng, Trưởng Phêrô Phạm Tiến Dũng là Trưởng ngành.
  • Ấu Nhi: có 68 em đeo khăn màu xanh lá mạ; Trưởng ngành là trưởng Giuse Dương Anh Tài.
  • Thiếu Nhi: có 64 em đeo khăn màu xanh biển đậm; Trưởng ngành là Trưởng Martino Nguyễn Thanh Phong.
  • Nghĩa Sĩ: có 70 em đeo khăn màu vàng nghệ; có trưởng Emmanuel Trần Nguyễn Thiên Tân là Trưởng ngành.
  • Hiệp Sĩ: có 8 em đeo khăn màu nâu do trưởng Giacôbê Tô Phạm Kim Long làm Trưởng ngành.

Sau phần trình diện của các ngành, Lm Chánh xứ hỏi các em về tôn chỉ của phong trào TNTT, châm ngôn của ngành, các em đã đáp lại đầy đủ. Ngài làm phép khăn và trao khăn cho các em.

Sau đó là nghi thức chào cờ của Đoàn TNTT.

Khi nghi thức chào cờ kết thúc, Thánh lễ được cử hành. Sau phần đọc Tin Mừng, Lm Giuse đã giảng lễ, chia sẻ Tin Mừng với các em trong bầu không khí vui tươi.

Sau kinh Tin Kính, Lm Chánh xứ đã giới thiệu với Lm Tổng Tuyên Úy các Huynh trưởng được bầu vào Ban Thường Vụ Xứ Đoàn Piô X – TNTT giáo xứ Tân Hiệp – nhiệm kỳ 2022 – 2025. Tân Ban Thường vụ Xứ Đoàn Piô X được Lm Tổng Tuyên úy công nhận và trao bổ nhiệm thư gồm:

  • Xứ Đoàn Trưởng: Trưởng Emmanuel Trần Nguyễn Thiên Tân
  • Xứ Đoàn Phó Nội Vụ: Trưởng Martino Mai Đức Toàn
  • Xứ Đoàn Phó Ngoại Vụ:
    • Trưởng Martino Nguyễn Thanh Phong
    • Trưởng Giuse Nguyễn Đoàn Đức Huy
  • Thủ Quỹ: Trưởng Maria Phạm Thị Cẩm Ly

Thánh lễ kết thúc vào lúc 9g trong bầu không khí nồng nhiệt vui tươi. Các em TNTT Xứ đoàn Piô X hào hứng chụp hình kỷ niệm với Lm Chánh xứ và Lm Giuse – Tổng Tuyên úy..

Hoàng Gia Phú (TGPSG)

Các Loại Áo Linh Mục Mặc Khi Cử Hành Thánh Lễ

Các Loại Áo Lễ: Áo Lễ là áo dành riêng cho các Linh Mục mặc khi cử hành Thánh Lễ. Áo lễ có nhiều màu khác nhau và được dùng trong mùa Phụng Vụ theo truyền thống trong Giáo Hội.

Màu ÁoÝ Nghĩa
Áo Trắng:
(white) 

Áo TrắngÁo Trắng: Chỉ sự tinh truyền thanh khiết, thánh thiện và chiến thắng. Áo trắng được dùng trong các mùa sau:
– Mùa Giáng Sinh
– Mùa Phục Sinh
– Các Lễ về Chúa – trừ Chúa Nhật Lễ Lá và Thứ Sáu Tuần Thánh
– Các Lễ về Đức Mẹ
– Các Lễ về các Thiên Thần, các Thánh không tử đạo, các Thánh Nam Nữ.
Áo Ðỏ:
(red) 

Áo ÐỏÁo Ðỏ: Chỉ lòng mến yêu, sự hy sinh đến chết vì Chúa, hiến dâng cuộc sống cho Thiên Chúa. Áo đỏ được dùng trong các Thánh Lễ sau:
– Chúa Nhật Lễ Lá
– Thứ Sáu Tuần Thánh
– Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
– Lễ các Thánh Tông Đồ và Thánh Sử – trừ Thánh Gioan Tông Đồ và Lễ Thánh Tử Đạo.
Áo Xanh:
(green) 

Áo XanhÁo Xanh: Chỉ sự vui tươi, nhiệt thành và hy vọng. Áo xanh được dùng trong:
– Mùa Thường Niên
Áo Tím:
(violet) 

Áo TímÁo Tím: Chỉ sự ăn năn, thống hối. Áo tím được dùng trong:
– Mùa Vọng
– Mùa Chay
– Các Lễ cầu hồn
Áo Hồng:
(pink) 

Áo HồngÁo Hồng: Chỉ niềm vui trước kỳ hạn của màu thống hối. Áo hồng được dùng trong:
– Chúa Nhật thứ ba mùa Vọng
– Chúa Nhật thứ tư mùa Chay

Để cử hành thánh lễ, người ta có thể thay thế bánh miến và rượu nho bằng các thứ khác, chẳng hạn bằng cơm và trà ở Á Châu, hoặc bằng bánh khoai mì và rượu thốt-nốt bên Phi Châu được không?

Ngày nay, Kitô giáo được loan truyền khắp thế giới và Công Đồng Vaticanô II mong muốn mỗi dân tộc diễn tả đức tin theo truyền thống văn hóa riêng của mình. Vậy tại sao không thích nghi bữa tiệc Thánh Thể với bữa ăn truyền thống của mỗi dân tộc ?

Bánh miến (làm bằng bột mì) và rượu nho có vẻ quá gắn bó với nền văn hoá Cận Đông và Tây Phương. Nhưng bạn đừng quên rằng Chúa Giêsu là người Do-thái, chính Người đã dùng bánh miến và rượu nho để lập phép Thánh Thể.

Dùng bánh miến và rượu nho cũng là một cách để nhớ lại rằng Thiên Chúa đã đi vào Lịch Sử. Mạc khải Kitô giáo đã được thực hiện trong một nơi chốn rõ rệt và một thời điểm nhất định. Khi chúng ta tuân theo huấn lệnh của Chúa Giêsu “Hãy làm việc này để nhớ đến Thầy”, chúng ta phải để ý đến những điều kiện cụ thể này của việc Người nhập thể.

Đàng khác, bạn đừng quên biểu tượng phong phú của bánh miến và rượu nho trong Kinh Thánh, thí dụ:

° “Thầy là bánh hằng sống” (Gioan 6, 35.48). “Thầy là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời” (Gioan 6, 51). (Bánh ở đây phải hiểu là bánh miến).
° “Thầy là cây nho thật” (Gioan 15, 1). “Thầy là cây nho, các con là ngành nho…” (Gioan 15, 5).

“Bánh miến” và “cây nho” là hai đề tài rất thường gặp trong Kinh Thánh.

Do đó, hai thứ thực phẩm này, hơn hẳn mọi thứ khác, nêu bật ý nghĩa về mối giao ước mới và vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và loài người, được đóng ấn trong Đức Giêsu Kitô và được cử hành trong mỗi thánh lễ.

Dự lễ qua đài truyền hình hoặc truyền thanh có được coi là tham dự thánh lễ thật sự hay không?

Thánh lễ trên đài truyền hình hoặc truyền thanh là một thánh lễ đích thật, vì được truyền trực tiếp từ một giáo xứ hay một dòng tu. Nhưng đài truyền hình và truyền thanh không truyền hết được tất cả các phần và chi tiết của thánh lễ.

Thánh lễ được truyền hình và truyền thanh có những lợi điểm nhưng cũng có những giới hạn. Các phương tiện truyền thông này giúp cho những ai (bệnh nhân chẳng hạn) không thể đi đến nhà thờ có thể cầu nguyện trong sự hiệp thông với một cộng đoàn và liên kết với toàn thể Hội Thánh. Họ được nghe các bài Sách Thánh Chúa nhật và nghe bài giảng chú giải thực dụng của Lời Chúa. Vả lại, các tín hữu, nơi mà thánh lễ được truyền hình hoặc truyền thanh, cũng có ý thức trong việc lôi kéo, khuyến khích lòng thành và đạo đức của những ai đang phải sống cô quạnh để họ hiệp thông với Hội Thánh qua phương tiện truyền thông.

Nhưng thánh lễ qua đài truyền hình hoặc truyền thanh không thể thay thế việc đến nhà thờ tham dự thánh lễ. Không phải việc xét dự lễ như thế có được xem như đã giữ luật buộc dự lễ ngày Chúa nhật hay chưa, bởi những người không thể di chuyển được vì do bệnh tật, do phải sống xa nhà thờ hay do thời tiết cản trở, đều không buộc phải đi lễ ngày Chúa nhật. Như thế, chúng ta không có lý do gì ngồi ở nhà, thực hiện điều mà đáng lẽ chúng ta phải làm ở nhà thờ.

Yếu tố đầu tiên của mọi bí tích, đó là cộng đoàn tín hữu đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, và trong lời cầu nguyện, trong lúc nghe Lời Chúa và trong tình bác ái huynh đệ, họ cùng nhau cử hành sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu Kitô.

Có thể cử hành thánh lễ chỗ nào khác ngoài nhà thờ không?

Thánh lễ có thể được cử hành ở ngoài nhà thờ, như ta đã từng thấy tại những nơi khốn khổ (trong trại tù, trong nhà riêng ở những vùng có cấm đạo, v.v…). Thánh lễ có thể được cử hành dưới nhiều hình thức khác nhau.

Khi thánh lễ được cử hành ở những nơi khác ngoài nhà thờ, điều quan trọng là ý nghĩa thánh lễ phải được tôn trọng tối đa. Tại những nơi có đông người tham dự, việc cử hành nhắm sao cho trang trọng để mọi người có thể tham dự một cách tích cực và sốt sắng. Tại nhà riêng, vấn đề quan trọng là đừng để việc cử hành thánh lễ bị tầm thường hóa: sắp xếp chỗ cử hành, chủ tế phải mặc y phục phụng vụ, người tham dự phải trang nghiêm, đó là những điều giúp cho thánh lễ thêm long trọng.

Câu chúc kết thúc thánh lễ “Lễ đã xong, chúc anh chị em ra về bình an” có ý nghĩa gì?

Đó là những lời cuối cùng mà chủ tế nói trong thánh lễ. Những lời này không chỉ có mục đích để kết thúc thánh lễ bằng cách giải tán giáo dân, nhưng còn có ý nghĩa sai đi. Linh mục muốn nói:

° Anh chị em vừa nghe Lời Chúa, vừa suy ngẫm và tung hô lời giáo huấn của Chúa Kitô, thì bây giờ hãy đem những lời ấy ra thực hành. Hãy đi làm chứng về điều mình vừa nghe, về điều mình tin.

° Trong thánh lễ, anh chị em đã nhớ rằng Chúa Kitô đã hiến mạng sống mình vì tình yêu, và anh chị em cố gắng noi theo gương của Người. Anh chị em đã lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa Kitô.

Giờ đây, anh chị em hãy ra đi trong bình an của Chúa Kitô ! Hãy ban tặng sự sống của mình giống như Chúa Kitô đã làm ! Hãy yêu mến tha nhân như Người đã làm gương cho chúng ta ! Hãy yêu thương, tha thứ, và đi gieo niềm hy vọng khắp mọi nơi !

Trong sách lễ bằng Pháp ngữ, chủ tế nói: “Hãy ra đi trong bình an của Chúa Kitô” (Allez dans la paix du Christ). Còn trong sách lễ bằng Anh ngữ, có thể chọn một trong ba công thức sau:

– “Hãy ra đi trong bình an của Chúa Kitô” (Go in the peace of Christ),

– “Thánh lễ đã xong, hãy ra đi trong bình an” (The Mass is ended, go in peace),

– “Hãy ra đi trong bình an yêu mến và phục vụ Thiên Chúa” (Go in peace to love and serve the Lord).

Tại sao phải dùng bánh không men trong thánh lễ?

Luật hiện hành của Giáo Hội buộc rằng thánh lễ phải được cử hành với bánh không men (Giáo Luật, số 926).

Nhưng ngày xưa không hẳn như thế. Vào giữa thế kỷ thứ II, thánh Justinô cho biết là giáo dân đem bánh nướng tại nhà mình đến để dâng trên bàn thờ. Chắc chắn đó là bánh nướng được làm dậy bằng men. Cho tới thế kỷ thứ XI, người ta chấp nhận cả bánh có men lẫn bánh không men để cử hành thánh lễ. Vào giữa thế kỷ XI, Giáo Hội Tây Phương có thói quen chỉ dùng bánh không men.

Tại sao bánh có men được thay dần dần bằng bánh không men ?

1. Trước tiên, vì theo gương Chúa Kitô. Theo các thánh sử Mát-thêu (26, 17), Mác-cô (14, 12) và Lu-ca (22, 7-8), bữa Tiệc Ly là tiệc lễ Vượt Qua, trong đó người ta dùng bánh nướng không men để tưởng nhớ ngày dân Do-thái, do phải vội vã lên đường trốn ra khỏi Ai-cập, họ không có đủ thời giờ để chờ bột dậy men rồi đem nướng. Dùng bánh không men là cách để nhắc nhở việc ấy.

2. Vào thế kỷ thứ XII, việc tôn kính Thánh Thể trở nên phổ biến và được thực hiện một cách tỉ mỉ. Người ta cố giữ làm sao không cho một mẩu vụn bánh nào rơi xuống đất. Bánh không men được xét là thích hợp hơn để dâng thánh lễ vì ít bở hơn và nhẹ hơn bánh có men. Vả lại, với bánh không men, người ta làm được dễ dàng những tấm bánh trắng và đẹp, dấu chỉ sự tinh tuyền của lễ vật chúng ta dâng. Hơn nữa, với bánh không men, người ta dễ làm các bánh nhỏ dành cho giáo dân.

3. Thánh lễø là dấu chỉ của sự hiệp nhất. Do Giáo Hội Đông Phương vẫn duy trì bánh không men, nên việc chúng ta cũng dùng bánh không men để biểu lộ sự hợp nhất với các Kitô hữu Đông Phương.

4. Thánh lễ không phải là bữa tiệc như những bữa tiệc khác. Dùng loại bánh đặc biệt nói lên tính chất đặc thù của bữa tiệc Thánh Thể.

Cử hành thánh lễ với loại rượu nho nào?

Qui luật duy nhất là dâng thánh lễ với rượu nho tự nhiên và nguyên chất, nghĩa là không pha trộn với chất nào khác.

Tại nhiều xứ không trồng nho được, người ta sử dụng rượu nho tự nhiên có nồng độ hơi cao một tí, như rượu Porto chẳng hạn, để có thể giữ được lâu.

Trước thế kỷ thứ XVI, người ta thường dùng rượu nho đỏ (hiện nay, phụng vụ theo truyền thống Byzance, bên Đông Phương, vẫn còn duy trì tập tục này). Vào thế kỷ thứ XVI tại Tây Phương, khi người ta bắt đầu dùng khăn lau để tráng chén lễ, người ta thích dùng rượu nho trắng hơn để dâng lễ vì ít để vết.

Tại sao thánh lễ thường bắt đầu bằng một bài hát?

Ca hát là cách diễn tả thông thường của bất cứ lễ hội nào. Và việc gặp gỡ Thiên Chúa luôn luôn là một lễ hội

Bài hát nhập lễ nhằm xóa tan sự lạnh lùng của mỗi người chúng ta và kết hợp chúng ta thành một cộng đoàn tình thương và sống động.

Hát là dấu chỉ niềm hân hoan trong tâm hồn. Chúng ta hát để diễn tả sự hiệp nhất của cộng đoàn tham dự và để nói lên rằng chúng ta vui sướng được gặp lại nhau, như Thánh vịnh 132 đã biểu lộ:

“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,
Anh em được sống sum vầy bên nhau!”

Niềm vui này phải được diễn tả cụ thể trong nghi thức đầu tiên của thánh lễ là sự tập họp của đoàn dân Chúa.

Tại sao thánh lễ luôn được cử hành giống nhau, đọc hoài những lời bất biến?

Bởi vì Chúa Giêsu đã phán dạy: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19; 1 Cor 11, 24-25). Do đó, chúng ta thực hiện những gì mà Chúa Giêsu đã truyền cho chúng ta phải làm để tưởng nhớ đến Người. Từ gần 2000 năm qua, chỉ có một vài thay đổi nhỏ trong thể thức diễn tả mà thôi. Và cũng gần 2000 năm qua, người Kitô hữu không ngừng tuyên đọc: “Trước ngày chịu nạn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh… cầm lấy chén rượu…” và họ cùng làm một cách thức như thế.

Trong thánh lễ, chúng ta không cử hành bữa Tiệc Ly, nhưng là cử hành sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Để thực hiện điều đó, chúng ta dựa trên cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu ở bữa Tiệc Ly. Có tất cả bốn cử chỉ: “Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ”. Toàn phần phụng vụ Thánh Thể tóm gọn trong đó:

° Chúa Giêsu cầm lấy bánh (và rượu): đây là phần Dâng lễ.
° tạ ơn: kinh Tạ Ơn.
° bẻ ra: nghi thức bẻ bánh.
° và trao cho cho các môn đệ: rước lễ.

Sự “tưởng nhớ” của thánh lễ không chỉ là một kỷ niệm, nhưng là tác động bí tích, qua đó, điều Chúa Kitô đã thực hiện một lần duy nhất trong quá khứ được ban cho chúng ta thực sự trong hiện tại của đức tin Kitô giáo.

Về vấn đề tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật, chúng ta có thể đặt câu hỏi: tại sao không cử hành thánh lễ ngày thứ năm, vì Chúa Kitô đã lập bí tích Thánh Thể ngày thứ năm Tuần Thánh ?

Chúa nhật là ngày ưu tiên để cử hành thánh lễ, vì đó là ngày Chúa Phục Sinh. Và thánh lễ chỉ có thể cử hành khi Chúa Kitô đã sống lại. Thánh Phaolô có nói: “Nếu Chúa Kitô không sống lại, thì lời giảng dạy của chúng tôi là hư vô và đức tin của anh em là mơ hồ” (1 Cor 15, 14). Nói cách khác, nếu Chúa Kitô không sống lại, thì không có đức tin, không có Giáo Hội và cũng không có các bí tích.

Như thế, cử hành thánh lễ ngày Chúa nhật có một ý nghĩa thần học rất quan trọng. Thánh lễ không phải là sự lặp lại của bữa Tiệc Ly. Cử hành thánh lễ ngày Chúa nhật xác định rằng đó là sự tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Chính trong buổi tối Phục sinh mà hai môn đệ, trong nhà trọ tại làng Emmau, đã nhận ra Chúa Sống Lại khi Người bẻ bánh (Lc 24, 13-35).

Sau cùng, Chúa nhật là ngày toàn Dân Chúa dâng lời tạ ơn, tán tụng lên Thiên Chúa, cảm tạ Người đã chiến thắng sự chết.